beemart.vn
Kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh thành công

Kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh thành công

Thứ Wed,
08/12/2021
(0) Nhận xét

Kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh thành công dưới đây là một trong vô vàn chia sẻ về chiếc bánh đã làm chị em "đứng ngồi không yên" trong suốt thời gian qua, với mong muốn chinh phục chiếc bánh mì đến từ đất nước châu Âu xa xôi này. Hãy cùng Beemart lắng nghe xem, còn điều bí ẩn gì đằng sau công thức làm bánh mì hoa cúc trà xanh nhé!

Tên gọi bánh mì hoa cúc

Theo như mình nghĩ thì tên gọi “bánh mì hoa cúc” dường như chỉ là tên gọi ở Việt Nam, vì khi dò tìm trên các blog làm bánh ở nước ngoài, mình chưa tìm thấy được loại bánh nào có tên tương tự như vậy. Chỉ có bánh mì Harrys - Brioche Tressée nổi tiếng ở Pháp thì có tạo hình tương tự như bánh mì hoa cúc ở Việt Nam mình, khi loại bánh này được phổ biến ở Việt Nam thì có tên gọi là “bánh mì hoa cúc Harrys”.

kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh 5

Thật khó để tìm ra một công thức chuẩn cho bánh mì hoa cúc. Vốn dĩ bánh mì Harrys - Brioche Tressée thuộc dòng bánh mì Brioche, nhưng chỉ ở tại Pháp thì đã có rất nhiều công thức bánh mì Brioche khác nhau rồi. Là dòng bánh mì có nhiều bơ phù hợp nơi xứ lạnh như Châu Âu, khi phổ biến ở Việt Nam thì có lẽ một phần là để phù hợp với khí hậu xứ nóng nên đã có nhiều sáng tạo với nhiều công thức khác nhau.

Vì sự sáng tạo là vô tận với những người yêu thích làm bánh nên điều quan trọng là sở thích và khẩu vị của mỗi người trong mỗi công thức bánh mà bánh sẽ có hương vị riêng biệt, và vì mỗi một biến tấu của công thức đều làm phong phú thêm cho dòng bánh được ưa chuộng này nên cũng không nên gọi các công thức đó là lai tạp. Còn xét về hình thức thì bánh mì hoa cúc thì phải có tạo hình giống nhau là kết bím dây 3, nên tên gọi bánh mì hoa cúc có lẽ là thiên về hình thức của bánh.

Thuộc dòng bánh mì nhiều bơ nên thành phần bơ trong bánh góp phần tạo nên độ mềm ngon của bánh, mỗi công thức sẽ có phần trăm bơ nhiều ít khác nhau, bơ càng nhiều càng khó nhồi bột, càng khó tạo hình ở xứ nóng, kể cả việc nướng cho các bím nở bung trong lò cũng khó. Lượng chất lỏng trong bánh cũng khá cao nên việc nhồi bột và tạo hình càng khó khăn hơn nữa đối với nhiệt độ phòng trên 29 độ C. Để dễ dàng hơn, bạn có thể giảm bơ và giảm lượng sữa, nhưng càng giảm thì bánh càng khô, hương vị bánh sẽ càng ít giống hương vị bánh Brioche và càng gần với bánh mì ngọt thông thường nhiều hơn.

kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh 24

Kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc

Công thức mình giới thiệu với các bạn có thành phần bơ chiếm 40% so với bột , lượng chất lỏng cũng khá cao, thêm một ít bột trà xanh để thêm hương vị cho bánh. Để nhồi bột và tạo hình bánh mì hoa cúc thành công, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Bột luôn phải ở trạng thái lạnh từ lúc nhồi bột cho đến lúc tạo hình, vì vậy bơ, sữa, trứng cần để trong tủ lạnh trước một ngày. Khi chuẩn bị nhồi bột bạn nên thực hiện lần lượt việc cân đong nguyên liệu như: bơ cắt nhỏ, sữa, trứng, và để tất cả vào tủ lạnh, sau đó cân đong các nguyên liệu còn lại và tiến hành nhồi bột.

- Điều quan trọng cần lưu ý để nhồi bột thành công là bạn phải luôn giữ lạnh cho bột vì vậy trứng, sữa và bơ phải luôn thật lạnh khi cho vào bột, nhất là bơ nếu nhồi bột bằng tay hoặc bằng máy để bàn thì bơ càng lạnh cứng càng tốt.

- Trong quá trình tạo hình, bột không được chảy bơ nên bạn cần thao tác càng nhanh càng tốt và bột áo được sử dụng với một lượng vừa đủ.

- Bột tạo hình xong được ủ cho đến khi bột nở 70% thì bắt đầu làm nóng lò, việc canh cho bánh nở 70% hoặc 80% là việc khá khó khăn. Nếu căn cứ vào thời gian ủ bánh để biết bánh đạt hay chưa thì không chính xác vì nhiệt độ phòng mỗi nơi mỗi khác, nên chỉ có cách căn cứ lượng bột cho vào khuôn rồi canh mặt bánh khi nở ra theo mặt khuôn là tương đối dễ hơn.

- Thời gian ủ bột khoảng từ 3 - 4 tiếng, lâu nhất là 5 tiếng. Đầu tiên bột sẽ nở chậm do còn lạnh, nhưng sau khi bột đã hết lạnh rồi thì sẽ nở nhanh hơn. Bạn chỉ cần canh cho bột nở gần đầy khuôn, mặt bột cách mặt khuôn 2cm thì bắt đầu làm nóng lò là vừa.

kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh 2

- Nướng bánh cũng là một phần quan trọng và khá khó khăn. Nhiệt cao hay thấp là tùy vào công thức có lượng bơ hay lượng chất lỏng cao hay thấp. Đối với nhiều bạn yêu thích bánh mì hoa cúc thì bánh mì hoa cúc chỉ đẹp khi mặt bánh nở bung các thớ, để nướng bánh được như vậy bạn cần lưu ý nhiệt độ nướng:

+ Nhiệt nướng trong thời gian 10 phút đầu phải khá cao, khoảng 210 - 220 độ C để bột nở nhanh trong lò. Sau khoảng 8 - 10 phút nướng thì mặt bánh bắt đầu vàng mặt, bạn cần phải lấy giấy nhôm che mặt bánh.

+ Sau 10 phút nhiệt độ cần phải được hạ thấp xuống khoảng 30 độ C và nướng thêm 20 phút nữa để bánh có đủ thời gian chín đều.

+ Nhiệt độ và thời gian nướng bánh phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu, kích thước khuôn bánh và lò của mỗi nhà. Nên bạn cần hiểu khuôn và lò nhà mình để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.


Kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh

Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ:

- 300g bột mì protein 13%

- 120g bơ lạt

- 80g - 90g sữa tươi không đường

- 90g trứng gà

- 8g - 10g bột trà xanh

- 70g đường

- 4g men ngọt (instant dry yeast)

- 3g muối

- Hai khuôn chữ nhật (19 x 7 x 5cm)

Cách làm:

- Bước 1: Cân đong nguyên liệu: bơ cắt nhỏ, sữa, trứng, và để tất cả vào tủ lạnh.

- Bước 2: Rây bột vào âu, thêm đường, men ngọt và muối (muối không để gần men), bột trà xanh và trộn đều.

- Bước 3: Cho thêm trứng, nhồi đều, kế tiếp cho sữa vào từ từ, nhồi đều.

- Bước 4: Cho bơ vào nhồi tiếp cho đến khi bột mịn, dẻo, kéo được màng.

- Bước 5: Chia bột làm hai phần bằng nhau, gói kín, cho vào ngăn đá tủ lạnh 8 - 24 tiếng.

- Bước 6: Lấy bột ra khỏi ngăn đá tủ lạnh và tạo hình.

kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh 6

- Bước 7: Đậy khăn ướt giữ ẩm cho bột, ủ cho đến khi bột nở 70% - mặt bột cách mặt khuôn 2cm thì làm nóng lò 230 độ C trong 20 phút. Thời gian ủ bột khoảng từ 3 - 5 tiếng tùy nhiệt độ phòng. Khi bột nở 80% cho bánh vào lò.

- Bước 8: 10 phút đầu nướng bánh với nhiệt độ 210 - 220 độ C, bánh vàng mặt lấy giấy nhôm che mặt bánh. Sau 10 phút giảm nhiệt độ bớt 30 độ C nướng thêm 20 phút nữa. Bánh chín lấy khỏi lò.

kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh 20

Bánh ra lò sẽ mềm thơm, xé được thớ, sau một ngày bánh sẽ ẩm và mềm hơn nữa do bơ đã từ từ thấm đượm vào bột, lúc này bánh có mặt cắt xốp mịn. Khi ăn bánh bạn sẽ cảm nhận được vị thơm nhẹ nhàng của trà xanh hòa cùng vị béo của bơ, kết cấu bánh lại ẩm mềm gần giống bánh ga tô nên bánh có sự khác biệt hơn so với bánh mì ngọt, bánh rất ngon nhưng nếu được ăn kèm với các loại mứt có vị chua ngọt bánh sẽ ngon hơn rất nhiều.

Bánh nguội hẳn cần để vào hộp đậy kín sẽ để được ở nhiệt độ phòng trong hai ngày, sau hai ngày để vào ngăn mát tủ lạnh thêm vài ngày, khi ăn để bánh mềm lại ở nhiệt độ phòng trong 15 phút.

Hi vọng với những chia sẻ về kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh trên, kể cả chị em mới bắt đầu làm quen với bánh trái cũng có thể làm thành công nhé!

(Nguồn: Trần Thị Tú Vân)

Tham khảo: Những điều bạn chưa biết về chiếc bánh mì hoa cúc?

kinh nghiệm làm bánh mì hoa cúc trà xanh 0

Tải ứng dụng beemart

Tải App Beemart Tải App Beemart
popup

Số lượng:

Tổng tiền: