beemart.vn
Kí sự tiền trạm: Một ngày ở Trường Mầm non và Tiểu học Yên Thắng 1

Kí sự tiền trạm: Một ngày ở Trường Mầm non và Tiểu học Yên Thắng 1

Thứ Mon,
28/11/2016
(0) Nhận xét

Dù đã nghe nói trước về sự thiếu thốn và những khó khăn ở Trường mầm non và tiểu học Yên Thắng 1 qua báo chí và các trang mạng, nhưng phải đến khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thật sự thấu hiểu hết nỗi khốn khó và hiểm nguy mà những đứa trẻ ở đây đang mang theo mỗi ngày đến trường.

Con đường nhọc nhằn lên lớp

…Sau hơn 7 tiếng di chuyển từ thủ đô, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân bản địa, chúng tôi cuối cùng cũng đặt chân được tới ngôi Trường mầm non và tiểu học Yên Thắng 1, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Cách trung tâm xã 10km, điểm trường bản Vịn là một trong những vùng khó khăn và xa xôi nhất của xã Yên Thắng. Do đó, muốn đi vào bản, cách duy nhất là phải dùng xe lam hoặc xe máy để vượt qua hơn 10km đường rừng lầy lội, gập ghềnh sỏi đá.

Con đường hiểm trở hơn 10 cây số để vào đến bản Vịn

Do đặc điểm địa hình cách trở, bị chia cắt bởi dòng sông Âm nên bản Vịn được phân thành Khu trên và Khu dưới. Ngôi trường Yên Thắng 1 nằm sát thượng nguồn con sông Âm, ở Khu trên, nên toàn bộ 71 hộ dân có con em theo học tại Khu dưới, hằng ngày đều phải “vượt sông đi học” mỗi ngày.

Giống như đánh cược sinh mạng với tử thần, những đứa trẻ, từ đứa bé nhất 3 tuổi rưỡi học mầm non cho đến những đứa 9,10 tuổi học tiểu học, tất cả mỗi ngày đều trông chờ vào người lớn (giáo viên hoặc cha mẹ) dắt qua sông - dắt và lội nước theo đúng nghĩa đen, giữa dòng nước chảy xiết lạnh tê người, khi cầu tạm bị lũ cuốn trôi mất.

Hết mùa lũ, người dân lại tự dựng lại cầu. Nói là cầu nhưng chỉ là những mảnh ván thưa ghép lại, chênh vênh và mỏng manh như chính cuộc sống của những đứa trẻ băng qua nó; khiến cho chúng tôi, trong một khoảnh khắc rón rén bước đi trên cầu, bỗng giật mình: đó đều là những đứa bé đang tuổi ăn chơi… nhỡ may!

Cây cầu dựng tạm từ những thanh gỗ chắp nối để trẻ qua sông mỗi ngày

Những đứa trẻ không đủ áo phao đánh cược sinh mạng với thủy thần để đến trường

Trường học bản xa…

Nằm gối đầu sau dãy núi mấp mô nơi bản Vịn, từ ngoài nhìn vào, quang cảnh trường Tiểu học Yên Thắng 1 hiện lên khá bình dị với tường vàng, mái đỏ ấm áp thường thấy ở các ngôi trường nông thôn Việt Nam.

Cổng vào đơn sơ trường tiểu học Yên Thắng 1, Thanh Hóa

Có lẽ trước khi chúng tôi tới, ngôi trường đã được chính quyền địa phương hoặc một đội tình nguyện nào đó sơn sửa lại. Vậy nên lớp sơn vẫn còn mới. Thế nhưng khi bước vào bên trong, cơ sở vật chất quả thật vẫn vô cùng thiếu thốn!

Không thể tưởng tượng được một ngôi trường cho trẻ em mà hoàn toàn không hề có điện! Hơn 25 đứa trẻ mầm non và 50 đứa tiểu học, tất cả đông cũng như hè, nắng cũng như mưa, leo lắt trong những lớp học không điện, tuềnh toàng vài ba bộ bàn ghế đã bong tróc lởm chởm. Thỉnh thoảng gió lại lùa qua vách cửa trống hoác, phả vào luồng lạnh tê tái khiến tim ai cũng se sắt lại.

Bàn ghế sứt mẻ, mối mọt nghiêm trọng

Lớp học thiếu sáng và hầu như không có vật dụng nào còn tốt

Không có đủ sách vở, cả lớp phải dùng chung nhau một vài bộ sách đã cũ nát, mối mọt

Các cửa sổ đều mất cánh hoặc hỏng kính nên không thể giữ ấm cho phòng học

Chúng tôi tiếp tục bước vào căn phòng dành cho các bé mầm non trong tâm thế đã chuẩn bị sẵn tinh thần về sự thiếu thốn. Và quả thật, những gì được nhìn thấy cho chúng tôi một cảm nhận thật xót xa. Đó là giường ngủ chỉ là vài tấm chiếu sờn thoạt nhìn đã thấy lạnh buốt. Những hộp cát tông cũ hay những giá gỗ mối mọt  được tận dụng làm nơi đựng đồ, mà thực ra trong đó cũng chẳng có món gì có thể coi là đồ dùng đúng nghĩa.

Một vài chiếc ghế gãy hỏng chưa sửa được trong lớp

Một góc lớp học mầm non lôm nhôm những thùng bìa đựng đồ linh tinh

Khu vui chơi đơn sơ với vài vật dụng bằng tre

Ánh mắt hiếu kì, trong veo của những đứa trẻ khi bắt gặp ống kính máy ảnh của chúng tôi

Những bài giảng mộc mạc, với những ánh mắt ngây thơ trong căn phòng nhỏ ấy làm chúng tôi thấy chạnh lòng biết bao. Cũng là trẻ em, cũng là cái tuổi cắp sách đến trường, ấy vậy mà cuộc sống trường học của các em sao lại khác xa quá nhiều với những gì chúng tôi đã được trải qua đến vậy!

Chia tay những ánh mắt thơ ngây, hồn nhiên như bầy chim rừng buổi sớm, chúng tôi trở về Hà Nội trong cái lạnh se se của những ngày đầu đông. Để lại nơi ấy, miên man kí ức về những đứa trẻ quần cộc, áo ngắn mỏng manh, chạy lông nhông giữa trời lạnh giá; ăn vội miếng cơm độn sắn lên lớp, trên những dòng nước lũ chênh vênh...

>>>Thư kêu gọi ủng hộ chương trình từ thiện XUÂN SUM VẦY - TẾT SẺ CHIA

Tải ứng dụng beemart

Tải App Beemart Tải App Beemart
popup

Số lượng:

Tổng tiền: