beemart.vn
Nhìn lại 2020 và lập kế hoạch công việc cho năm 2021

Nhìn lại 2020 và lập kế hoạch công việc cho năm 2021

Thứ Thu,
21/01/2021
(0) Nhận xét

Tháng cuối năm như hiện tại là thời điểm vô cùng thích hợp để mọi người cùng nhìn lại sự nghiệp của bản thân đang tiến triển ra sao. Đây cũng là thời gian để bạn rà soát, đánh giá lại mọi thứ một cách trung thực nhất; tự nhìn nhận xem mức độ hoàn thành kế hoạch của bản thân trong năm vừa qua là bao nhiêu phần trăm, có gì còn thiếu sót và tìm ra nguyên nhân gây trì hoãn, hạn chế trong kế hoạch của bạn. Từ đó, có những hành động phù hợp, kế hoạch hứa hẹn cho năm mới.

Nếu bạn đã sẵn sàng “thanh tra” lại sự nghiệp của mình vào cuối năm, hãy cùng Bee tìm hiểu một số yếu tố cần quan tâm giúp bạn tối ưu cơ hội gặt hái thành công trong năm 2021!

1. Nhìn lại một năm làm việc

Xác định lại vai trò và mục tiêu làm việc

Một trong những nguyên nhân khiến hầu hết mọi người cảm thấy chưa thỏa mãn hoặc phiền lòng vào những ngày cuối năm đến từ vai trò của họ trong công việc. Để giải toả tình trạng này, bạn cần xem lại mô tả công việc và những phân công vai trò của bạn trong công việc hiện tại. Bạn cảm thấy vai trò này có ảnh hưởng đến mục tiêu và những cơ hội nghề nghiệp năm 2020 như thế nào, bạn có thể hoàn thành tốt hơn trong năm 2021 hay không?

Chẳng hạn, bạn đang đảm nhận vị trí Nhân viên Content Marketing, bạn có thể tự đánh giá nếu bản thân tiếp tục làm tại vị trí này ở công ty hiện tại, bạn có đạt được mục tiêu (mua xe, mua điện thoại, thăng chức,…) vào năm 2021 hay không? Bạn có thấy mình sẽ hoàn thành tốt vai trò hơn nữa vào năm tới hay không?

Nhiều người vẫn thường nghĩ vai trò công việc được định sẵn, không thể điều chỉnh được nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn hoàn toàn có khả năng thương lượng cho mình một vai trò phù hợp hơn, phát huy năng lực của bạn tốt hơn.

Thiết lập mục tiêu làm việc cũng là hoạt động quan trọng vì các mục tiêu giúp bạn tập trung hơn vào việc phát triển sự nghiệp, hạn chế sự tác động bên ngoài, sự quấy nhiễu và làm chậm tiến độ sự nghiệp của bạn, hoặc tệ hơn nữa là giảm đi giá trị của bạn. Nếu bạn có bất kỳ một mục tiêu nào cho năm nay, hãy trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Bạn đã đạt được mục tiêu sự nghiệp chưa?
  • Bạn có hài lòng với những việc liên quan đến mục tiêu mà bạn đã làm?
  • Có điều gì đã xảy ra khiến bạn muốn thay đổi mục tiêu trong suốt năm qua?
  • Bạn nên điều chỉnh mục tiêu năm tới như thế nào?

Rà soát khả năng sắp xếp công việc

Một trong những yếu tố quan trọng nhưng lại ít nhận được sự quan tâm chính là khả năng sắp xếp công việc. Nếu công việc của bạn đang có tiến triển nhịp nhàng, đều đặn thì quá tốt. Tuy nhiên, khi công việc chưa có tiến triển như mong muốn, bạn cần phải có bước hành động ngay để sự nghiệp năm 2021 hoàn thành dễ dàng hơn.

Nhìn một cách tổng quát, khả năng sắp xếp công việc nên được đánh giá và xem xét từ hai chiều, bao gồm: Kỹ năng cá nhân của người làm việc và thực tế phân công của người quản lý. Dù vấn đề phát sinh từ phía nào, bạn đều nên rà soát kỹ càng và đưa ra hướng giải quyết phù hợp với kết luận.

Có rất nhiều người có chuyên môn vững, tinh thần làm việc luôn tốt nhưng dễ bị căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên phải làm việc ngoài giờ do thiếu kỹ năng quản lý thời gian. Nếu bạn nhận thấy mình đang quản lý và sắp xếp thời gian chưa tốt, bạn cần cải thiện ngay trong năm 2021. Bạn nên học cách phối hợp với đồng nghiệp, tôn trọng deadline, phân biệt rõ ràng mức độ của công việc: quan trọng, ít quan trọng, khẩn cấp hoặc việc có thể làm sau. 

Bạn hoàn toàn có thể nói lời từ chối nếu bạn đang có nhiều việc cần giải quyết, đặc biệt, tránh giết thời gian trên các trang mạng xã hội chỉ để đọc tin tức hay tán gẫu với bạn bè. Nếu được phân công quá nhiều việc so với thời gian bạn có hoặc phải đảm nhiệm quá nhiều trách nhiệm khác nhau thì kỹ năng xử lý tốt đến mấy bạn cũng khó lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Có một sự thật rằng, bạn có thể “gồng mình” trong công việc (vì bạn chăm chỉ hoặc muốn chứng minh năng lực), nhưng không đồng nghĩa mọi thứ đang tiến triển tốt. Vì thế, để giải quyết tình trạng này, bạn có thể trò chuyện với sếp để sắp xếp lại các công việc một cách hợp lý hơn, hoặc đề nghị hỗ trợ từ đồng nghiệp, thậm chí loại bớt việc phát sinh không liên quan đến chuyên môn của bạn.

Xem xét tổng quan thu nhập

Hết năm 2020, bạn cũng nên nhìn lại tình hình thu nhập của bản thân, đánh giá xem chế độ lương thưởng, phúc lợi và trả công cho những nỗ lực, cống hiến của bạn đã xứng đáng hay chưa. 

Hãy dựa trên hệ quy chiếu sau để đánh giá:

  • Thu nhập của bạn so với thu nhập của đồng nghiệp giữ vị trí tương đương trong công ty
  • So với những người làm nghề giống bạn trên thị trường
  • Đánh giá mức lương cho ngành nghề bạn đang theo đuổi có tiềm năng tăng trưởng như thế nào?

Một khi đã có những thông tin cần thiết, bạn sẽ quyết định được năm sau mình nên đề nghị tăng lương hay không hoặc cần phấn đấu hơn trong sự nghiệp với định hướng ra sao.

Kinh nghiệm, kỹ năng bạn có được sau một năm làm việc

Sau một năm làm việc, bạn có thể viết ra giấy những kỹ năng mới mà bạn lĩnh hội được trong công việc. Từ đó, giúp bạn nắm vững chuyên môn của bản thân, luôn hiểu được giá trị của mình. 

Chẳng hạn, bạn đang làm Nhân viên Content Marketing, hết năm 2020 bạn đã tích luỹ cho mình 1 năm kinh nghiệm làm việc. Vậy trong năm 2020, bạn đã trang bị hoặc học được những kỹ năng nào mới? Chẳng hạn, bạn có thể học thêm kỹ năng photoshop, thiết kế cơ bản; học thêm về hoạt động quảng cáo trên Facebook hoặc tham gia một vài khoá học nâng cao kỹ năng viết. 

Nắm được những kỹ năng, kinh nghiệm mình đã có, bạn sẽ có đường hướng hoặc kế hoạch để bổ sung những kỹ năng bản thân còn thiếu cho năm tới một cách thuận lợi hơn.

Mạng lưới quan hệ của bạn sau một năm

Tạo dựng quan hệ (networking) được xem là một yếu tố quan trọng dẫn bạn đến thành công. Chúng ta vẫn đang sống trong cơ chế của các mối quan hệ ràng buộc với nhau, bạn quen biết ai, ai quen biết bạn,… Trong cả công việc lẫn cuộc sống, sẽ có những lúc bạn gặp khó khăn, sự cố đột xuất hoặc cần sự hỗ trợ từ ai đó, bạn cần thiết phải có kỹ năng Networking.

Nhìn lại 1 năm làm việc đi qua, bạn không thể không đánh giá lại mạng lưới quan hệ của mình. Trong thế giới việc làm, networking ngoài tác dụng giúp công việc có tận dụng và dễ dàng “thao túng” sức mạnh của tập thể, networking cũng được biết đến là cách để tạo nên một tập thể làm việc hiệu quả. 

Việc phát hiện và kết nối với những cá nhân hoặc tập thể có năng lực và thế mạnh hợp tác cùng nhau sẽ phát huy được sức mạnh được của cả hai. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc được thời điểm nào là phù hợp để đặt “những trạng thái trái dấu” hợp tác để có thể bật ra được nhưng điểm riêng, đồng thời có thể cải thiện mối quan hệ của bạn với các đối tác trong công việc.

Đánh giá sức khoẻ, cảm xúc tâm lý của bản thân

Có sức khỏe là có tất cả. Sức khỏe ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng công việc của bạn. Nhiều khảo sát đã cho thấy tác động của các thách thức về thể lực, tâm lý lẫn cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, đôi khi gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến hiệu quả công việc không thể đạt giá trị tốt nhất.

Mỗi người chỉ vươn đến đỉnh cao sự nghiệp khi đảm bảo tốt sức khỏe mọi lúc. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây của TopCV để giữ gìn sức khoẻ ở trạng thái tốt nhất trong năm 2021:

Đầu tiên, hãy quan tâm tới chế độ ăn uống hàng ngày. Dân văn phòng thường có thói quen ăn uống sơ sài, ăn cho xong, thực phẩm không đủ dinh dưỡng do quá bận rộn với guồng quay của công việc. 

Bên cạnh chế độ ăn uống, hãy chú ý các hoạt động vận động thể chất như chạy bộ, tập gym, bơi lội… Tập thể dục dù chỉ 10-15 phút mỗi ngày cũng có thể giúp bạn rèn luyện sức khỏe khá tốt.

Khi công việc của bạn hiện đang gây hại cho sức khỏe, bạn nên tìm cách trao đổi với công ty, với người quản lý của bạn để tìm xem có hướng đi nào tốt hơn trong tương lai hay không.

Kiểm tra mức độ ổn định của công việc

Đảm bảo ổn định, “an toàn” công việc là yếu tố cơ bản cuối cùng bạn nên xem xét. An toàn công việc ở đây được hiểu là mức độ lâu dài và tính bền vững với công việc mà bạn đang phụ trách.

Bạn cần tìm hiểu xem bạn có bị đẩy tới bất kỳ vị trí nhiều nguy cơ đào thải hay quá áp lực không. Tương tự như thế, cũng nên tự kiểm tra về mức độ hoà nhập văn hoá, sự gắn kết cùng đồng nghiệp và khả năng hiểu định hướng tổ chức để có sự điều chỉnh phù hợp trong năm mới. 

Áp dụng tháp nhu cầu Maslow để đánh giá 

Tháp Maslow được phân thành mức cao và mức thấp với 5 nhu cầu cụ thể. Những nhu cầu cao hơn được thỏa mãn khi nhu cầu thấp hơn được đáp ứng.

Mức thấp:

  • Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs): Ăn, uống, ngủ nghỉ, đi lại,…các nhu cầu làm con người tồn tại.
  • Nhu cầu về an toàn, an ninh (safety, security needs): An toàn tính mạng, tài sản, nghề nghiệp, an toàn lao động, tâm lý,…

Mức cao:

  • Nhu cầu xã hội (Belonging needs): Giao tiếp xã hội, bạn bè, người thân,…Mong muốn được gắn bó, yêu thương và quan tâm.
  • Nhu cầu tôn trọng (esteem needs): được người khác nể trọng trong tổ chức, xã hội…
  • Nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualization): Đây là nhu cầu đỉnh cao của thang Maslow, nhu cầu được thể hiện mình, khẳng định mình trong cuộc sống.

Trong mỗi con người chúng ta đều tồn tại cả 5 nhu cầu này. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể đánh giá, nhìn nhận lại năm 2020 của mình dựa trên mô hình này.

Đầu tiên về nhu cầu sinh lý, Để có thể làm việc, cống hiến hết mình, điều đầu tiên bạn cần quan tâm luôn là lương thưởng và phúc lợi để duy trì đời sống tối thiểu (ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt…). Hãy đưa ra nhận định về công việc của bạn hiện tại xem với mức thu nhập như vậy, có đủ để bạn đảm bảo cuộc sống thiết yếu hàng ngày hay chưa. Nếu chưa, bạn có thể tìm cách để thỏa thuận tăng lương, tìm một công việc khác hoặc nhận thêm công việc freelance để tăng thêm thu nhập.

Tiếp theo, nhu cầu an toàn sẽ xuất hiện sau một thời gian làm việc. Hãy xem xét công ty của bạn có đảm bảo các điều khoản về hợp đồng lao động, các chế độ bảo hiểm y tế hay chưa. Bạn cần đảm bảo công ty của bạn đã đảm bảo nhu cầu về an toàn và tính mạng của bạn và đặt nó ở vị trí ưu tiên hàng đầu bằng một số thông tin như:

  • Môi trường làm việc của bạn có đủ an toàn, sạch sẽ có đầy đủ tiện nghi cần thiết?
  • Quy định tăng ca có hợp lý không, bạn có phải làm việc quá sức không? Công ty của bạn có chế độ lương thưởng hợp lý khi nhân viên tăng ca không?
  • Nếu bạn làm việc ở Bộ phận sản xuất, môi trường làm việc của bạn đã đáp ứng tiêu chuẩn an toàn lao động như: Đồng phục bảo hộ lao động, hệ thống chữa cháy khẩn cấp, trang thiết bị hỗ trợ khi thực hiện công việc nguy hiểm,… hay chưa?
  • Bạn có cảm thấy công việc đang được duy trì ổn định và đối xử công bằng giữa các nhân viên hay không?

Nhu cầu tiếp theo bạn cần lưu ý chính là nhu cầu cảm xúc của bạn. Nếu bạn đã làm việc ở công ty hiện tại trong thời gian dài, và cảm thấy bạn là một phần không thể thiếu của nó., thì bạn cần đánh giá về nhu cầu thuộc về tình cảm, cảm xúc của mình trong công việc. Bởi ai cũng mong muốn được làm việc trong môi trường thoải mái, nhận được sự quan tâm từ cấp trên và đồng nghiệp, đặc biệt vào những lúc khó khăn cần sự giúp đỡ.

Một số gợi ý để bạn tự đánh giá nhu cầu này của mình:

  • Công ty bạn có tạo điều kiện để nhân viên mở rộng giao lưu giữa các bộ phận không?
  • Họ có lập nên một phòng ban hoặc nhóm nhân viên chuyên phụ trách hoạt động tập thể để thiết kế các chương trình giao lưu, trò chuyện và giải trí cho tập thể nhân viên hay không?
  • Bạn có được khuyến khích mọi người tham gia các cuộc thi sáng kiến phục vụ sự phát triển doanh nghiệp và tổ chức?
  • Vào các dịp lễ như 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam,… bạn được tặng quà chứ?
  • Sinh nhật cho bạn công ty có bỏ quên hay không?

Nhu cầu được tôn trọng là yếu tố bạn không nên bỏ qua khi nhìn lại công việc của mình trong năm qua. Nếu bạn là nhân viên lâu năm (thông thường từ 3-10 năm), bạn sẽ bắt đầu có mong muốn được thừa nhận trong công ty, muốn mình là người có tiếng nói trong công ty, muốn được đề bạt tương xứng. Nếu bạn nhận được sự tôn trọng từ cấp trên và đồng nghiệp sẽ tạo động lực để làm việc hăng hái hơn, bạn sẽ có cảm nhận muốn gắn bó lâu dài cùng tập thể công ty.

Để đánh giá về phương diện này chính xác nhất, bạn có thể tự trả lời vài câu hỏi dưới đây:

  • Công ty của bạn có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho bạn hay không? 
  • Công ty bạn có đảm bảo Quy định cụ thể và công bằng khi đánh giá nhân viên: Chính sách nhân viên mới, nhân viên có thực lực, nhân viên thâm niên gắn bó cùng công ty?
  • Công ty bạn có xây dựng cơ chế và chính sách khen ngợi sự đóng góp của nhân viên, phổ biến thành tích cá nhân một cách rộng rãi hay chưa?

Cuối cùng, bạn cần đánh giá được nhu cầu được phát triển và thể hiện khả năng trong công việc hiện tại. Bởi đôi khi, lương thưởng không còn đóng vai trò quyết định trong việc bạn muốn ở lại công ty đang làm việc nữa hay không. Bạn sẽ có xu hướng muốn làm công việc mình yêu thích, sống theo đam mê.

Để nhận định về nhu cầu được phát triển và thể hiện khả năng trong công việc, bạn có thể tự trả lời các câu hỏi dưới đây:

  • Bạn có được cung cấp các cơ hội để nhân viên phát triển khả năng, vận dụng sáng tạo vào công việc?
  • Bạn có được doanh nghiệp khuyến khích tham gia vào quá trình cải tiến lại bộ máy, hoạt động của doanh nghiệp?
  • Bạn có được tạo điều kiện cho nhân viên phát triển sự nghiệp và thực hiện lý tưởng cá nhân thông qua lương thưởng cao, ổn định, giao quyền… hay không?

2. Lên kế hoạch làm việc cho năm 2021

Xác định mục tiêu và lý do tại sao?

Mỗi người đều có thể mạnh riêng và cần khai thác chúng ở mức tối đa. Tuy nhiên, đầu tiên, bạn cần phải xác định những giá trị mong muốn trong cuộc sống và sự nghiệp. Sự kết hợp giữa đam mê và thế mạnh của bản thân sẽ mang lại cho bạn thành công.

Vì vậy, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, bạn nên dành thời gian đánh giá chính xác và trung thực nhất về cảm nghĩ của bản thân. Xác định mục tiêu và lý do tại sao bạn lại phải hành động. Chẳng hạn, bạn có cơ hội thăng chức lên team leader, tuy nhiên, hãy tự đánh giá xem bạn có thực sự muốn điều đó? Lựa chọn trở thành team leader có khiến bạn thấy hạnh phúc? Hay bạn chỉ muốn làm một nhân viên bình thường để có nhiều thời gian bên gia đình, người thân?

Thiết lập mục tiêu sự nghiệp trong ngắn và dài hạn

Nếu bạn mới tốt nghiệp đại học và chuẩn bị bước vào thị trường lao động, những mục tiêu ngắn hạn như kiếm được một công việc, kể cả không phù hợp với chuyên ngành của bạn, là rất cần thiết. Bạn sẽ có kinh nghiệm và tăng giá trị cho CV để sẵn sàng cho sự nghiệp thật sự của mình.

Còn nếu đã có việc làm, mục tiêu ngắn hạn như nắm vững kỹ năng bán hàng, thành thạo vi tính… giúp bạn tự trau dồi bản thân và từng bước phát triển nghề nghiệp một cách bền vững.

Bên cạnh đó, đừng quên mục tiêu dài hạn của mình. Bạn muốn trở thành ai và đạt được những gì trong 5-10 năm tới? Đó sẽ là kim chỉ nam cho mọi quyết định và hành động trong sự nghiệp của bạn.

Kết hợp sự linh hoạt

Bạn không thể dự đoán trước những gì xảy ra trong tương lai, cho dù bạn đã lập kế hoạch cho bản thân kỹ lưỡng tới mức nào. Đặc biệt, những điều không ngờ trước có thể khiến kế hoạch đổ vỡ, làm chúng ta rơi vào cảm giác thất bại. 

Điều bạn cần làm để có kế hoạch tốt nhất cho năm mới chính là chuẩn bị tinh thần để đối mặt với các sự cố, có các bước chuẩn bị và sự linh hoạt để vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Sự linh hoạt cũng giúp bạn thích nghi với những giá trị thiếu tích cực hoặc khó khăn trên thực tế nếu chẳng may kế hoạch của bạn chưa thành công.

Hãy luôn xem khó khăn và trở ngại chỉ đơn giản là những khúc mắc nhỏ trên hành trình của bạn. Khả năng điều hướng và linh hoạt của bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong cách bạn tiến hành và thời điểm đạt được kết quả mong muốn.

Không ngừng xây dựng và nuôi dưỡng mạng lưới quan hệ

Khi xây dựng kế hoạch làm việc hoặc mục tiêu sự nghiệp cho năm mới, bạn không thể bỏ qua mạng lưới quan hệ. Có thể nói, networking chính là công cụ hữu ích giúp bạn phát triển sự nghiệp, hay đơn giản là tìm được một công việc như ý.

Bạn nên tích cực tham gia các sự kiện, các cuộc gặp mặt nghề nghiệp, các trang mạng xã hội trực tuyến như LinkedIn, Facebook… cũng góp phần đáng kể giúp bạn duy trì và kết nối với các mối quan hệ tiềm năng của mình.

Tạo ra môi trường tích cực, giúp bạn có thêm động lực

Mỗi người có cách tự tạo động lực hoặc khơi gợi cảm hứng khác nhau. Chẳng hạn, có người ấn tượng với hình ảnh của một người họ ngưỡng mộ, những câu nói đầy cảm hứng của những bậc tiền bối… hay thậm chí những người bạn tiếp xúc trong cuộc sống thường ngày cũng có thể trở thành một nguồn động lực to lớn.

Bạn nên tìm đến những người mang lại cho bạn những giá trị tích cực, những niềm vui và sự ủng hộ một cách tỉnh táo nhưng cũng đầy cảm hứng. Việc tạo cho mình một môi trường sống và làm việc tích cực là một cách vô cùng hiệu quả giúp bạn thực hiện kế hoạch sự nghiệp cho năm mới.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là hết năm 2020, hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có những bước chuẩn bị tốt nhất để có một sự nghiệp rực rỡ hơn trong năm 2021.

 

- Sưu tầm- 

Từ khóa: Không có từ khóa nào được đặt

Tải ứng dụng beemart

Tải App Beemart Tải App Beemart
popup

Số lượng:

Tổng tiền: