-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Các loại bánh Âu và cách phân biệt, bạn đã biết chưa?
Thứ Wed,
08/12/2021
(0) Nhận xét
Các loại bánh Âu và cách phân biệt là bài viết chia sẻ cho bạn những thông tin thú vị để không hiểu nhầm chúng là cùng một loại và đều tên là "bánh mì" hoặc "bánh ngọt". Bên cạnh những thông tin đơn giản có trên thị trường, Beemart còn cung cấp thêm rất nhiều thông tin chuyên sâu về các loại bánh Âu giúp các bạn có nhiều kiến thức nhất nhé! Giờ thì cùng bắt đầu vào bài viết thôi nào!!
A - Các loại bánh Âu - Bánh mì
Tất cả các thành phẩm bánh có sử dụng bột, trứng, chất béo và nướng lên đều được gọi chung là "Pastry". Từ “Cake” mà người Việt hay dùng để gọi “bánh ngọt” thực chất chỉ là một mảng rất hẹp trong Pastry mà thôi.
1. Bánh mì nhanh - Quick breads
Đây là tên gọi chung cho các loại bánh dạng bánh mì – nhưng không qua công đoạn ủ và lên men tự nhiên, mà dùng các chất hóa học có tác dụng gây nở nhanh, do vậy quá trình làm cũng rất nhanh chóng. Bánh thường có kết cấu mềm hơn, không có được độ dai như với bánh mì nở bằng men tự nhiên. Bánh mì nhanh bao gồm các loại bánh với tên gọi như: muffins, scones, loaf bread, coffee cakes.
2. Bánh mì thường - Lean yeast bread
Thành phần bánh này chỉ có bột và nước, có thể có dùng men hoặc không dùng men, vì thế có loại bánh mì cần qua quá trình ủ nở lên men và có loại không qua quá trình này.
3. Bánh mì ngọt - Rich yeast bread
Đây là những loại bánh mì ngoài bột, nước, men, có sử dụng thêm các thành phần khác như đường, chất béo, sữa, bột sữa. Vì thế bánh mì có thêm nhiều mùi vị thơm ngon và kết cấu khác với bánh mì thường.
4. Muffins
Bánh Muffins có dạng giống chiếc bánh nhỏ hình cốc, có thể được để trong cốc giấy hoặc làm bằng khuôn. Muffins không mềm như bánh bông lan, bánh cũng ít ngọt hơn, và không có phủ kem. Ngoài ra, còn muffin vị mặn nữa, có thể ăn kèm salad. Cách làm phổ biến nhất để làm ra chiếc bánh này là trộn đều 2 hỗn hợp nguyên liệu khô (bột mì, bột nổi…) và nguyên liệu ướt (trứng, sữa, bơ…). Khi trộn hỗn hợp trên, điều quan trọng là phải nhanh tay và không trộn quá tay. Nếu không bánh sẽ bị chai cứng. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 170 độ C – 200 độ C trong khoảng 20 – 30 phút.
Đây là một dạng bánh mì nhanh phổ biến ở Anh, có nguồn gốc Scottish. Hình dáng ban đầu của những chiếc scone là hình tròn lớn, khi ăn bánh sẽ được cắt ra thành những phần bánh nhỏ hình tam giác. Ngoài ra bánh còn có dạng hình nón, lục giác đều, vuông… Phổ biến là cách làm: Trộn tất cả hỗn hợp khô (bột mì, đường, cream of tartar, baking soda và muối…) dùng tay vò bột và bơ, sao cho có dạng vụn bánh mỳ. Cho buttermilk (là sữa đã bị làm chua, đặc hơn sữa bình thường, nhưng không chua và đặc như sữa chua – có thể thay buttermilk bằng sữa trộn với sữa chua) trộn đều đến khi hỗn hợp có độ mềm, ẩm vừa phải. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 220 độ C khoảng 10 – 20 phút tuỳ vào hình dáng và độ dày của bánh. Khi nướng quét một ít buttermilk lên bề mặt và rắc thêm một chút bột mì cho màu bánh đẹp hơn. Có thể thêm táo, nho khô, mứt, các loại hạt sẽ làm bánh ngon hơn.
Bánh Loaf thường có dạng hình khối chữ nhật. Cách làm phổ biến là cho từ từ đường xay nhỏ vào kem bơ đánh tan, thêm trứng vào đánh đều hỗn hợp, rây bột mì và bột nở, kem tươi thành hỗn hợp thống nhất. Đổ sữa vào, đánh đều trong 5 phút ở tốc độ trung bình và thêm hương liệu tuỳ ý. Đổ hỗn hợp vào khuôn loaf bánh mì và nướng ở 325 độ C khoảng 45 – 55 phút. Các loại bánh phổ biến có thể kể đến bánh mì hoa cúc (Brioche), bánh chuối,...
B - Các loại bánh được làm chín bằng các phương pháp khác
1. Bánh được làm chín bằng phương pháp dùng chất béo
– Doughnuts (Donut): Đây là chiếc bánh ngọt phổ biến ở nhiều nơi, thường có hình vòng bánh xe hoặc hình cầu dẹt, có thể làm chín bằng lò nướng hoặc chiên ngập dầu theo phương pháp truyền thống. Công thức phổ biến là cách làm trộn đều hỗn hợp: Bột mì, bột nở, sữa, bơ mềm, lòng đỏ trứng gà, đường, muối thành khối hỗn hợp dẻo, mịn, không dính tay. Ủ đến khoảng 15 – 20 phút, lúc này ta thấy khối bột lớn hơn trước nhiều, bóp xẹp khối bột, lấy ra từng miếng, cán mỏng, tạo hình, chiên vàng trong chảo ngập dầu. Trang trí bằng kem hoặc sốt socola, đường bột, caramel,...
– Pancake: Là một loại bánh phổ biến ở Châu Mỹ, Châu Âu và một số nước Châu Á. Bánh thường được nướng trên vỉ, hoặc chiên trong chảo ít dầu.Tùy theo từng vùng pancake được chế biến có mùi vị và hình thức khác nhau. Bánh thường làm theo công thức: Trộn đều hỗn hợp khô: bột mì, đường, bột nổi. Cho sữa tươi, lòng đỏ trứng gà, vani, bơ đánh nhuyễn. Từ từ cho hỗn hợp lỏng vào hỗn hợp khô, trộn đều đến khi bột mịn, đặc sệt vừa phải. Tráng chảo bằng lớp dầu mỏng, múc bột đổ vào, áng chừng bánh chín vàng 2 mặt. Xếp bánh so le, có thể kèm kem tươi, siro giữa các miếng. Lớp bánh trên cùng trang trí bằng trái cây, kem tươi, sốt socola, mật ong, mứt quả…
– Crepe: Tương tự như pancake nhưng bánh được tráng mỏng hơn rất nhiều, có thể cuộn hoặc gập được, thường ăn với kem tươi, sốt ngọt, trái cây,...
– Fritters: Bánh có vị ngọt lẫn mặn, nhiều hình dạng khác nhau, chiên trong ngập dầu, phổ biến là tẩm bột (chủ yếu là bột bắp) vào các nguyên liệu rau củ quả hay tôm, gà,...
2. Bánh được làm chín bằng khuôn nướng
Waffles hay bánh trứng gà non đều được làm chín bằng khuôn nướng chuyên biệt. Công thức chỉ cần trộn đều với hỗn hợp trứng, đường, sữa, bơ mềm đã đánh nhuyễn với hỗn hợp khô: bột mì, bột nở, muối để thành hỗn hợp bột lỏng mịn, sền sệt. Đổ hỗn hợp vào khuôn, đóng nắp đến khi bánh chín lấy ra, ăn kèm với mứt, sốt ngọt, trái cây đều ngon.
3. Bánh không cần lò nướng hay chiên
– Pie: Bánh vỏ kín có chứa nhân (hoa quả, mứt, nhân mặn…) bên trong. Bột làm vỏ pie được chia làm hai phần: một phần cán mỏng làm đế chứa nhân bên trong, phần còn lại cán mỏng phủ lên trên, gắn kín các mép hay xếp hình lạt. Hỗn hợp bột ở đây trộn hơi khô nhưng vẫn thành nắm mịn.
– Tart: Tart là dạng đặc biệt của pie, không có lớp vỏ bọc kín nhân. Bánh không có vỏ, nướng hở phần nhân. Bánh tart có thể làm từ lớp bột nhào hoặc bột vụn từ bánh quy, cookies hay cracks,...
C - Các dòng bánh ngọt
Loại bánh này chỉ lấy lòng trắng đánh bông, không dùng chất béo. Bánh rất nhẹ, độ xốp đặc hơn chiffon, cắt lát bên trong trắng như bông. Cách làm cơ bản: Đánh bông một chiều, nhanh dần đều hỗn hợp lòng trắng trứng, muối, hương liệu, cream of tartar (một dạng muối acid làm cứng lòng trắng trứng) trong quá trình đánh cho đường từ từ đến khi hỗn hợp lòng trắng đặt độ bông cứng. Rây từ từ hỗn hợp khô: bột mì và đường đã trộn đều và rây mịn vào hỗn hợp lòng trắng trứng, trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất, mịn mượt. Đổ ra khuôn, bỏ lò nướng duy trì ở nhiệt độ 175 độ C trong khoảng 45 phút.
Bánh chiffon có sử dụng dầu ăn để làm thành phần chất béo trong bánh. Cả lòng trắng và lòng đỏ đều được sử dụng nhưng tách riêng trong quá trình làm. Cách làm cơ bản: Đánh bông một chiều, nhanh dần đều hỗn hợp lòng trắng trứng, nước cốt chanh, muối, trong quá trình đánh cho đường từ từ đến khi hỗn hợp lòng trắng đặt độ bông cứng. Đánh tan lòng đỏ trứng, trong quá trình đánh cho đường vào từ từ, kế tiếp cho dầu ăn, hương liệu, tiếp tục rây hỗn hợp khô: bột mì, bột ngô, bột nổi (baking powder) vào hỗn hợp lòng đỏ, trộn đều đạt độ mịn. Chia nhỏ hỗn hợp lòng đỏ rồi đổ lần lượt vào hỗn hợp lòng trắng ban đầu lượng vừa phải, trộn đều, nhẹ tay cho đến khi hỗn hợp đồng nhất. Đổ hỗn hợp đồng nhất ra khuôn. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 175 độ C – 180 độ C trong khoảng 30 – 40 phút.
Đây là một trong nhiều cách trình bày của bánh cake, bánh dạng nhỏ dùng như một khẩu phần, bánh thường được bao quanh bởi lớp giấy hình cốc xinh xắn, đẹp mắt. Mặt bánh được trang trí bởi lớp kem tươi phủ, trên có rắc trái cây, mứt quả, hạt cốm trang trí… Công thức làm cupcake thông dụng được nhiều người biết đến với công thức đo lường “1234”: 1 tách bơ, 2 tách đường, 3 tách bột và 4 quả trứng. Đây cũng là 4 thành phần cơ bản để ra đời cupcake. Công thức làm cupcake cơ bản: Đánh nhuyễn hỗn hợp bơ, đường sau đó tiếp tục đổ từ từ trứng đã đánh tan vào hỗn hợp bơ đường, thêm vani và tiếp tục đánh thành hỗn hợp ướt đồng nhất, mượt mịn. Trộn đều hỗn hợp khô bột mì, baking soda, rây từ từ hỗn hợp khô vào hỗn hợp ướt ban đầu trộn đều đến khi hai hỗn hợp đồng nhất là được. Nướng bánh ở nhiệt độ từ 175 độ C – 180 độ C trong khoảng 10 – 20 phút.
Bánh có màu nâu đen đặc trưng của chocolate, dùng bơ làm chất béo. Cách làm thông dụng: Ban đầu làm nóng lò ở nhiệt độ 175ºC. Đun cách thuỷ chocolate đen cùng bơ mềm thành hỗn hợp lỏng đồng nhất. Đánh trứng tan với đường đến khi hỗn hợp trứng đường chuyển màu nhạt, từ từ đổ vào hỗn hợp chocolate bơ đã làm lạnh, trộn đều thành hỗn hợp sánh mượt. Trộn đều hỗn hợp bột mì, baking powder, baking soda, rây từ từ hỗn hợp khô vào hỗn hợp chocolate trộn đều, cuối cùng từ từ đổ sữa vào hỗn hợp chocolate trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất sánh mịn. Đổ ra khuôn, bỏ lò, nướng duy trì ở nhiệt độ 175 độ C trong khoảng 30 phút.
Bánh có hàm lượng chất béo và đường đều cao, tên gọi để chỉ các nguyên liệu chính đều có khối lượng 1 pound Anh bằng khoảng 454g. Bánh này thường có kết cấu nặng và đặc hơn bánh dạng bông xốp. Bánh làm trong khuôn loaf hoặc khuôn bundt. Cách làm thông dụng: Trong quá trình đánh tan bơ từ từ đổ đường đến khi bơ nhạt đến độ gần như trắng, đập trứng đánh tan trộn đều thành hỗn hợp ướt. Trong quá trình đánh bơ với trứng, tránh trường hợp bơ đông lại có thể đặt tô bơ giữa chậu nước ấm vừa phải. Tiếp tục rây hỗn hợp khô: bột mì, baking powder, muối vào vào hỗn hợp ướt trộn đều, cuối cùng thêm sữa vào đánh mịn mượt hỗn hợp. Đổ ra khuôn, bỏ lò nướng duy trì ở nhiệt độ 170 độ C trong khoảng 50 – 55 phút.
6. Cheesecake
Thành phần chủ yếu của bánh là kem cheese. Bột được sử dụng rất ít hoặc không sử dụng. Có rất nhiều công thức làm cheesecake khác nhau: Cách đơn giản là chỉ cần trộn đều hỗn hợp phô mai đánh nhuyễn, sữa đặc và nước cốt chanh thành hỗn hợp đồng nhất. Hoặc dùng công thức: Đánh nhuyễn phô mai với đường, thêm nước cốt chanh, đánh tan cùng trứng thành hỗn hợp sánh mịn. Đổ hỗn hợp bánh ra khuôn đặt giấy bạc bao phủ miệng khuôn, để giữa khay có nước nướng ở nhiệt độ từ 170 độ C – 180 độ C trong khoảng 30 – 50 phút. Trong 2 công thức trên có thể thay nước cốt chanh bằng sữa chua (yaourt). Thường khi nướng bánh để đẹp mắt và ngon miệng, bạn có thể làm vỏ bánh bằng bánh quy nghiền nát, trộn với bơ đun chảy và sữa đạt độ khô vừa phải và được lót dưới đế khuôn bánh. Có thể trang trí và tăng vị giác khi ăn bằng những lớp chiffon cắt lát, trái cây, mứt quả… Ngoài ra còn phổ biến công thức làm cheesecake không cần đến lò nướng: Đánh nhuyễn phô mai với đường, kem tươi, cuối cùng đổ jelly hoặc gelatine (lá gelatine ngâm trước 10 – 15 phút để làm mềm) đã nấu tan và làm mát vào hỗn hợp, trộn đều mịn, mướt, đổ ra khuôn, có thể làm lạnh trước khi ăn.
Hi vọng với những thông tin thú vị trên về các loại bánh Âu và cách phân biệt, bạn đã có thể phân biệt được đặc điểm của chúng và ghim ngay những công thức hay nhất, đơn giản nhất để làm ra những chiếc bánh thật ngon như mong muốn nhé!
(Nguồn: Sưu tầm)
>>> Xem thêm các Nguyên liệu và Dụng cụ làm bánh tại đây
- Nguyên liệu làm bánh - Dụng cụ làm bánh
Tham khảo: Công thức bánh su kem – 14 cách tạo hình mà bạn phải ghim ngay kẻo