beemart.vn
Sự tích chú Cuội cung Trăng

Sự tích chú Cuội cung Trăng

Thứ Wed,
31/08/2022
(0) Nhận xét

Hình ảnh chú Cuội gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ, hình ảnh chú Cuội cũng đi cùng năm tháng cùng với thơ ca và văn học Việt Nam. Ngày nay, mỗi mùa Trung thu, câu chuyện về chú Cuội cung trăng vẫn được kể truyền miệng. Cùng Beemart tìm hiểu sự tích chú Cuội cung trăng có từ đâu nhé! 

Sự tích chú Cuội cung trăng

Ngày xửa ngày xưa, ở miền nọ có một người tiều phu tên gọi là Cuội. Một hôm như thường lệ, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp, nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Khi đó, Cuội xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe thấy tiếng gầm của cọp mẹ từ sau lưng, Cuội chỉ kịp quăng rìu leo thoắt lên ngọn cây cao.

Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát sau, cọp mẹ lẳng lặng bỏ đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho cọp con. Sau đó, chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội ngơ ngác và ngạc nhiên. Chờ cọp mẹ tha cọp con đi nơi khác, Cuội mới tìm đường xuống đến cây lạ kia đào gốc mang về.

Dọc đường về nhà, Cuội gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cổ, cậu liền đặt gánh xuống, không ngần ngại mà bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông lão. Ngay sau đó, phép màu đã xuất hiện, cậu vừa mớm xong thì ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện và Cuội cũng thật thà kể lại đầu đuôi.

Thế nhưng, khi ông lão vừa nghe xong câu chuyện mà Cuội kể đã kêu lên:

- Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!

Nói xong thì ông lão chống gậy đi, còn Cuội thì gánh cây mang về nhà trồng trong góc vường phía Đông. Cuội luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới cây bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội liền vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ được vang đi khắp nơi.

Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi mang lá trong mình ra cứu chữa chú chó. Chú chó sau đó tỉnh lại và quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một chú chó tinh khôn làm bạn.

Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, van nài Cuội cứu cho con gái mình vừa bị sẩy chân chết đuối. Cuội cũng vui lòng theo về nhà và lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng trở nên hồng hào rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin được làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau hòa thuận, êm ấm cho đến một hôm khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép “cải tử hoàn sinh” nên chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột rồi vứt xuống sông. Khi Cuội trở về nhà thì thấy vợ đã chết từ bao giờ, Cuội mớm lá cứu vợ nhưng có mớm bao nhiêu lá thì cũng không có công hiệu.

Thấy chủ khóc thảm thiết, chú chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ ông chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng vẫn liều mình mượn ruột chú chó thay cho vợ xem sao. Quả nhiên, người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương chú chó của mình, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất và đặt vào bụng chó, chú chó sau đó sống lại. Khi đó, vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít hơn xưa.

Tuy nhiên, cũng từ đấy mà tính nết của vợ Cuội thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội nhiều lúc bực mình. Đã không biết mấy lần, Cuội dặn vợ: Có tiểu tiện thì đi bên Tây, chó đi bên Đông, cây dông lên trời. Thế nhưng vợ Cuội hình như lý ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên bén ngay.

Một buổi chiều, Cuội đi rừng kiếm củi chưa về, vợ Cuội bèn ra sau vườn, không còn nhớ lời chồng dặn nên cứ nhằm vào gốc cây quý mà tiểu tiện. Không ngờ người vợ vừa tiểu tiện xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.

Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Thế nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống nhưng không được, cây vẫn cứ bay lên, không một sức nào cản nổi. Cuội nhất định không chịu buông tha, thành thử kéo cả Cuội bay vút lên cung trăng.

Từ đấy, Cuội ở luôn cung trăng với cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển một lá. Bọn cá heo đã trực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ như hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc. Từ đó, người ta gọi cái hình ấy là chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Ý nghĩa sự tích chú Cuội cung trăng

Trong tác phẩm, ta có thể thấy lá thuốc có công dụng cải tử hoàn sinh, có thể đưa một người đã chết về với cuộc sống thường ngày. Mong muốn bất tử là ước mơ lớn của cả nhân loại. Song, người vợ sau khi được cứu sống đã không thể như người bình thường. Điều đó chứng tỏ cuộc sống của con người thì phải có giới hạn, cố gắng đi ngược lại quy luật tự nhiên con người phải trả cái giá rất đắt. Hậu quả là chú Cuội đã bị kéo lên cung trăng không thể quay về.

Biết cuộc sống của ta là chỉ hữu hạn, một người chỉ sống có một lần, giúp chúng ta thêm trân quý những gì của quá khứ, sống tốt cho hiện tại, và biết hướng tới tương lai. Việc có khả năng cải tử hoàn sinh sẽ khiến con người không còn biết trân quý chính tính mạng của mình. Bất cứ thứ gì nếu có khả năng mất đi thì lúc đó nó mới còn quý giá. Vì vậy hãy nỗ lực hết mình để sống một cuộc đời trọn vẹn, thay vì cố gắng tìm kiếm sự bất tử. Những thứ đã mất đi thì không bao giờ có thể lấy lại được.

Ngoài ra, câu chuyện cũng thể hiện ước mơ chinh phục vũ trụ bao la, rộng lớn. Tác phẩm cũng thể hiện khát vọng được đặt chân đến mặt trăng và có cơ hội chinh phục vũ trụ rộng lớn, nơi mà con người chưa thể đặt chân đến. Con người luôn mong muốn được khám phá đến những vùng đất mới để tìm ra ngọn ngành của tri thức, cũng như thể hiện được tầm vóc ước mơ của con người Việt Nam. Đây cũng chính là ý nghĩa của sự tích chú Cuội cung trăng.

Sự tích chú Cuội cung trăng là một trong những câu chuyện cổ tích phổ biến nhất trong kho tàng văn học Việt Nam. Không chỉ vậy, câu chuyện còn mang nhiều ý nghĩa tồn đọng đến ngày nay, xứng đáng là một tác phẩm hay. 

-------------------------------------------------------

Beemart cung cấp đầy đủ các nguyên liệudụng cụ làm bánh CHÍNH HÃNG khác với GIÁ VÔ CÙNG TỐT. Tải app Beemart ngay hôm nay để mua sắm tiện lợi - dễ dàng và update thông tin làm bánh nấu ăn được nhanh nhất nhé !

App Beemart - ỨNG DỤNG #1 MUA SẮM ĐỒ LÀM BÁNH

👉 Tải app để mua sắm tiện lợi hơn!

☎️ Hotline hỗ trợ: 1900.636.546 

Tải ứng dụng beemart

Tải App Beemart Tải App Beemart
popup

Số lượng:

Tổng tiền: